TỔNG QUAN VỀ XÃ HÒA MỸ ĐÔNG



Xã Hòa Mỹ Đông là một xã đồng bằng nằm phía Tây Nam huyện Tây Hòa, cách trung tâm huyện khoảng 6 km, là một xã nông nghiệp có diện tích tự nhiên 5.800,35 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.548,37 ha, dân số 11.929 người và 3.827 hộ. Có giới cận như sau:

– Đông giáp: xã Hòa Đồng và xã Hòa Thịnh.

– Tây giáp: xã Hòa Mỹ Tây.

– Nam giáp: Tỉnh Khánh Hòa.

– Bắc giáp: xã Hòa Phong và xã Hòa Đồng.

  

                                                                              Bản đồ vị trí xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa

Về cơ cấu hành chính: Trên địa bàn xã có 03 trường học gồm: 01 Trường THCS Phạm Văn Đồng; 01 Trường Tiểu học Hòa Mỹ Đông và 01 Trường Mầm non. Xã có 05 thôn, gồm thôn Lạc Chỉ, Xuân Mỹ. Phú Nhiêu, Vạn Lộc, Phú Thuận. Địa hình của xã tương đối bằng phẳng có chiều hướng thấp về phía đông, đất đai được hình thành trên sản phẩm phù sa, tình hình tự nhiên, khí hậu, thời tiết thích hợp phát triển nhiều loại cây trồng và vật nuôi, phần lớn diện tích nằm ven các sông, suối, ao, hồ có nguồn nước mặt và nước ngầm dồi dào, được hệ thống thủy nông Đồng Cam tưới cho hơn 945ha đất chuyên trồng lúa nước, tạo thuận lợi cho công tác chuyển đổi cây trồng, tăng vụ đem lại giá trị thu nhập cao và ổn định từ đó có thể tăng hệ số sử dụng đất và tăng giá trị của đất bằng cách bố trí sử dụng triệt để tiềm năng đất đai hiện có của địa phương.

Bản đồ giao thông xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa. (Open Street Map)

Trong những năm gần đây kinh tế của xã Hòa Mỹ Đông không ngừng phát triển;cơ cấu sản xuất có bước chuyển biến đáng kể, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, các tiến bộ khoa học kỷ thuật, công nghệ được chuyển giao cho nông dân ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, mang lại hiệu quả, từng bước đã huy động được sức dân đầu tư  mở rộng phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, các hoạt động văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở được đảm bảo trong sạch vững mạnh, bộ máy lãnh đạo quản lý của nhà nước từng bước được nâng cao, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và quy chế dân chủ ở cơ sở, quốc phòng an ninh được tăng cường; trật tự xã hội ổn định và Giữ vững.

Năm 2021 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (sớm hơn 03 năm so với Nghị quyết) và năm 2023 thôn Vạn Lộc của xã được công nhận Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; Xã có 02 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao

  • Xã có 02 di tích lịch sử – danh thắng cấp Tỉnh:

Di tích danh thắng Núi Hương, Chùa Hương, Bàu Hương (thôn Thạnh Phú Đông, xã Hòa Mỹ Tây; xã Hòa Mỹ Đông và Hòa Phong). Núi Hương – Chùa Hương – Bàu Hương được xem là bộ ba danh thắng tạo nên một quần thể hùng vĩ với non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cảnh thiên nhiên với công trình nhân tạo mang lại nhiều giá trị về văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Núi Hương gắn liền với chiến thắng Đường 5 lịch sử; Chùa Hương là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh lâu đời của nhân dân địa phương; Bàu Hương có cảnh trí thơ mộng, quanh năm đầy ắp tôm cá phục vụ đời sống con người.

Di tích được UBND tỉnh Phú Yên công nhận tại Quyết định số 781/QĐ-UBND ngày 18/5/2011.

Di tích lịch sử địa điểm diễn ra trận đánh Cầu Cháy (thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa)

Di tích địa điểm diễn ra trận đánh Cầu Cháy là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn Bộ binh 13 được biên chế thành 03 đại đội với 03 mũi tấn công do đồng chí Nguyễn Châu Diên làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Hồ Văn Sức làm Chính trị viên đảm nhận nhiệm vụ vào ngày 19/3/1975. Trận đánh đã diễn ra sau 28 giờ, cuối cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn đã diệt gọn Ban chỉ huy tiểu đoàn Bảo An 236, 01 đại đội bộ binh, 01 trung đội hỏa lực, 01 trung đội thông tin, 01 trung đội thám báo, diệt tại chỗ 112 tên, bắn bị thương 15 tên, bắt 3 tên, thu 01 súng cối 81mm, 01 súng cối 60 mm, 01 ĐKZ 57, 03 đại liên, 23 súng AR15, 04 súng M79, 02 súng Col 45, 03 máy PRC25, 03 máy điện thoại và nhiều quân trang, quân dụng khác, phá huỷ toàn bộ nhà lính, công sự, hầm ngầm, giao thông hào, lô cốt, pháo đài. Thắng lợi của trận đánh cứ điểm Cầu Cháy đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm cho địch hoang mang, dao động buộc chúng phải rút toàn bộ các đồn bốt, chốt điểm, nhân cơ hội đó ta giải phóng hoàn toàn 05 xã phía Tây của huyện Tuy Hoà 1 (nay là huyện Tây Hòa), tạo điều kiện và cơ hội cho các đơn vị tiến công tiêu diệt quân địch tháo chạy từ Tây Nguyên xuống đường 5.

Đây không những là niềm tự hào của nhân dân và cán bộ xã Hòa Mỹ Đông nói riêng và của huyện Tây Hòa nói chung. Là minh chứng sống động để giáo dục truyền thống yêu nước cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng vũ trang và thế hệ trẻ.

Di tích được UBND tỉnh Phú Yên công nhận tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/12/2019.

  • Thành tựu đạt được trong phát triển KT- XH địa phương:

(1) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2020-2025), đạt 875 tỷ vượt 59% so với Nghị quyết (chỉ tiêu NQ 550 tỷ đồng).

(2) Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (giai đoạn 2021 – 2025) đạt 0,35%/năm, vượt 0,02% (chỉ tiêu giảm 1%/năm). (Nghị quyết số 226-NQ/ĐU, ngày 29/9/2023 của Đảng ủy điều chỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 xuống còn 0,33%/năm).

(3) Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin đạt 98,3%, vượt 1,3% (chỉ tiêu đạt trên 97%).

(4) Hàng năm có trên 96% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, vượt 1% (chỉ tiêu 95%); 5/5 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

(5) Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 100%.

(6) Hằng năm giao quân đạt 100% chỉ tiêu huyện giao.

(7) Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng giai đoạn 2021- 2025 đạt 26,66%, vượt 11,66% so với Nghị quyết (chỉ tiêu 15%)

(8) Kết nạp đảng viên hằng năm đạt 100% chỉ tiêu huyện giao (đạt và vượt chỉ tiêu giao hằng năm).

(9) Giữ vững, nâng cao 19 tiêu chí xã nông thôn mới; xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, trước hạn 03 năm (chỉ tiêu năm 2024); khu dân cư thôn Vạn Lộc đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.

(10) Thu ngân sách trên địa bàn ước đến cuối năm 2025 đạt 5 tỷ 300 triệu đồng, đạt 100,87% so Nghị quyết (chỉ tiêu 5 tỷ 254 triệu đồng).

  • Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ:

* Mục tiêu

(1) Tổng vốn đầu tư thực hiện nguồn vốn ngân sách nhà nước do xã quản lý đến năm 2030 (giai đoạn 2026 – 2030) là 750 tỷ đồng.

(2) Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn xã đến năm 2030 đạt 5 tỷ đồng.

(3) Đến năm 2030: tỷ lệ người dân tham gia BHYT bình quân hằng năm đạt 98%; tỷ lệ lao động tham gia BHXH trên tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 15%.

(4) Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (giai đoạn 2025 – 2030) bình quân 0,2%/năm.

(5) Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin trên 98%.

(6) Giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.

(7) Hàng năm có trên 96% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 5/5 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa; xã tiêu biểu.

(8) Đến năm 2030, giữ vững tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 100%.

(9) Công tác tuyển quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu huyện giao.

(10) Giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; phấn đấu đến năm 2026 đạt xã nông thôn thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2025-2030 đạt từ 2-3 khu dân cư dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 01 thôn đạt chuẩn thôn thông minh; xây dựng đạt 01-02 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

(11) Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng giai đoạn 2025- 2030 đạt 15% trở lên.

(12) Kết nạp đảng viên hàng năm tăng từ 4-5% tổng số đảng viên đầu nhiệm kỳ.

* Nhiệm vụ và giải pháp

1.Về kinh tế: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, bền vững, từng bước hiện đại. Chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

1.1. Phát triển nông nghiệp – chăn nuôi

– Trồng trọt: Chuyển dịch theo hướng đầu tư ứng dụng khoa học – công nghệ; hướng phát triển chủ yếu tập trung vào cây lúa trên diện tích 02 vụ; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chuyển đổi một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, đậu các loại và các loại cây trồng khác phù hợp, trước hết chọn một số loại cây phù hợp, có năng suất, giá trị kinh tế cao đưa vào trồng thí điểm để nhân rộng, gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2030 năng suất lúa bình quân 76 tạ/ha/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2030 là 15.600 tấn/năm, trong đó lúa 15.200 tấn/năm.

Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng sử dụng giống mới, chất lượng cao trong sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phấm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế.

Tiến hành quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phía bắc suối Mua, với diện tích 05 ha. Tiếp tục duy trì phát triển theo hướng có tưới, tận dụng nguồn nước kênh chính Tây hồ chứa nước Mỹ Lâm làm nguồn nước tưới để tăng năng suất, sản lượng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cao như cây mía, cây rau, đậu các loại, phá vỡ thế độc canh cây lúa.

– Chăn nuôi: Nâng cao chất lượng đàn gia súc, phát triển hình thức chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô hộ gia đình theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn dịch bệnh, thay thế dần phương thức chăn nuôi truyền thống. Phát triển chăn nuôi trang trại theo quy hoạch, ứng dụng khoa học hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Chú trọng về công tác bảo vệ môi trường, ưu tiên cho các nhà đầu tư chăn nuôi gắn với chế biến và chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi, các nhà đầu tư về vùng nguyên liệu và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Lâm nghiệp: Đẩy mạnh chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chất lượng độ che phủ rừng. Khuyến khích Nhân dân xây dựng vườn đồi sinh thái ở khu vực Suối Phướn, Suối Mua gắn với phát triển du lịch

Phát triển nông thôn: Tổ chức quản lý quy hoạch đúng theo Đồ án quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các công trình khu văn hóa thể thao xã; triển khai các dự án khép kín khu dân cư ở các thôn theo quy hoạch.

1.2. Công nghiệp, xây dựng và kết cấu hạ tầng

– Chú trọng thu hút phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên gắn với tiềm năng, lợi thế của xã như: Công nghiệp chế biến nông, lâm; công nghiệp may… Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, sản phấm năng lượng tiết kiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ.

– Thực hiện tốt và có hiệu quả các chính sách khuyến khích để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của ngành công nghiệp nền tảng phù hợp với địa phương.

– Đẩy mạnh công tác huy động vốn, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung nguồn vốn, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, từng bước xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đưa xã Hòa Mỹ Đông lên thị trấn theo chỉ đạo của cấp trên.

1.3. Thương mại, dịch vụ

– Khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các dịch vụ, mở rộng quy mô kinh doanh trên các lĩnh vực. Khai thác, quản lý tốt chợ Phú Nhiêu, từng bước xây dựng chợ văn minh; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ vận tải, các điểm vui chơi văn hóa, thể dục, thể thao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

– Phối hợp với các cơ quan liên quan kêu gọi đầu tư phát triển du lịch theo hướng sinh thái, dịch vụ, gắn với bảo tồn di tích lịch sử; ưu tiên các thành phần kinh tế đầu tư các điểm du lịch Suối Mua, Suối Phướn; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dịch vụ khu vực Cầu Bến Đình, để địa phương phát triển Du lịch gắn với di tích lịch sử “Núi Hương, Bàu Hương, Chùa Hương”;

1.4. Tài chính – ngân sách

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý thu, chi ngân sách; Phấn đấu thu ngân sách đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; quản lý, khai thác tốt và nuôi dưỡng các nguồn thu, đẩy mạnh thu các khoản nợ đọng trong Nhân dân, nhằm đảm bảo các nhiệm vụ chi quản lý nhà nước. Phấn đấu thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm tăng 8%. Quản lý chặt chẽ ngân sách; tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên chi đầu tư phát triển. Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách.

1.5. Phát triển các thành phần kinh tế

Tiếp tục tập trung chỉ đạo củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương; giải quyết tốt mối quan hệ, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa HTX với các thành viên trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 01 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại, tạo việc làm cho người lao động. Thực hiện đồng bộ chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp tư nhân, triển khai thực hiện định hướng một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh.

1.6. Quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường

– Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản đất đai, xử lý và ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn, chiếm đất, xây nhà ở trái phép và sử dụng đất sai mục đích. Quản lý chặt chẽ việc khai thác các loại khoáng sản trên địa bàn xã, trọng tâm khoáng sản cát, đất. Thực hiện tốt quy hoạch đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

– Chú trọng công tác bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp. Thực hiện tốt việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo quy định; kịp thời khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Thực hiện nghiêm, đúng quy định về cam kết bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân.

– Thực hiện tốt chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, phấn đấu đến năm 2030 giữ vững tỷ lệ hộ dân trên địa bàn xã sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 100%, có 25% khu dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; thu gom, xử lý 100% rác thải sinh hoạt

– Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.

2.Xây dựng nông thôn mới

Tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững 19 tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, đồng thời tiếp tục đầu tư để nâng cao các tiêu chí theo chuẩn mới, phấn đấu xây dựng từ 2-3 khu dân cư đạt nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng 01-02 vườn mẫu nông thôn mới; xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”. Duy trì và nhân rộng các mô hình trong xây dựng nông thôn mới để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

3.Văn hóa – xã hội

3.1. Giáo dục và đào tạo

– Quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục văn hóa với giáo dục hướng nghiệp.

– Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng và Hội khuyến học xã, đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý giáo dục và hoạt động giáo viên. Tiếp tục kiến nghị huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để phấn đấu xây dựng 2 trường THCS Phạm Văn Đồng và Trường TH Hòa Mỹ Đông đạt chuẩn về cơ sở vật chất theo quy định đáp ứng yêu cầu dạy và học.

3.2. Hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật và khoa học – công nghệ trong lao động, sản xuất và đời sống. Chú trọng tổ chức các mô hình trình diễn, thực nghiệm để làm cơ sở đảm bảo cho việc phổ biến, nhân rộng; phát động quần chúng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, năng suất, chất lượng sản phẩm; kịp thời tổng kết những mô hình hay đã được ứng dụng, phổ biến nhân rộng và hoạt động sản xuất và đời sống Nhân dân.

3.3. Văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao

 – Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa và dịch vụ văn hóa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của xã. Đổi mới hình thức truyền thông, truyền thông trên môi trường mạng, truyền thông trực quan, trực tiếp để mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đến với người dân.

– Đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình phục vụ hoạt động văn hóa như Trung tâm văn hóa thể thao xã, điểm văn hóa và bổ sung các thiết chế văn hóa ở các thôn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân. Thường xuyên nâng cấp Đài phát thanh xã và các cụm loa thông tin đến các địa bàn dân cư. Nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử và kênh Zalo OA của UBND xã.

– Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư đến từng gia đình; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, phấn đấu đến năm 2030 có trên 96% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, giữ vững 5/5 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, xã tiêu biểu.

– Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao quần chúng; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; duy trì nâng cao chất lượng tổ chức và tham gia thi đấu các giải do địa phương và cấp trên tổ chức. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao; phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, tạo điều kiện nâng cao thể lực, trí lực người dân.

3.5. Công tác lao động, người có công và xã hội

– Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật nghề nghiệp cho lao động. Phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; chú trọng công tác hướng nghiệp, tư vấn lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Phấn đấu hàng năm giải quyết việc làm mới cho 350 lao động, đến 2030 có 85% lao động trong độ tuổi qua đào tạo. Phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm.

– Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản; khuyến khích phát triển đa dạng các mô hình sản xuất và dịch vụ có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo.

– Thực hiện tốt công tác chính sách đối với gia đình có công cách mạng, các đối tượng xã hội và bảo trợ xã hội; huy động các nguồn lực xã hội để trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

3.6. Y tế, dân số và phát triển

– Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chủ động phòng, chống không để phát sinh dịch bệnh; công tác an toàn thực phẩm được đảm bảo, hằng năm không có vụ ngộ độc thực phẩm.

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các loại hình bảo hiểm, nhất là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đề nghị cấp trên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị Trạm y tế, phấn đấu giữ vững xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

– Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo ý thức tự giác thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình.

– Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường bình đẳng thực hiện toàn diện quyền trẻ em; tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, quan tâm công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Duy trì, nâng cao chất lượng xã phù hợp trẻ em.

3.7. Công tác dân tộc, tôn giáo

Thực hiện kịp thời các chính sách dân tộc, tôn giáo. Tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động người dân theo đạo xây dựng cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”.

4.Xây dựng củng cố quốc phòng – an ninh ngày càng vững mạnh

Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương gắn với phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng theo chỉ tiêu. Thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, tăng cường kỹ năng công tác, sẵn sàng chiến đấu và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; công tác tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu huyện giao và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Tổ chức thực hiện chặt chẽ, hiệu quả Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Thực hiện tốt Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả  âm mưu “diễn biến hòa bình” “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình tổ chức quần chúng làm công tác an ninh, trật tự.

Chia sẻ: