Đang truy cập: 44
Hôm nay: 6,224
Hôm qua: 9,597
Tháng hiện tại: 80,194
Tháng trước: 273,465
Tổng lượt truy cập: 832,584
- Đang truy cập44
- Hôm nay6,224
- Tháng hiện tại80,194
- Tổng lượt truy cập832,584
Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến, chiều 1/11, Quốc hội đã hoàn thành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. Tổng cộng đã có 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, có 77 lượt đại biểu tranh luận.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, nên còn nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Tinh giản biên chế phải chú trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc
Về cải cách hành chính, công chức, công vụ, Quốc hội đề nghị: Đẩy nhanh việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về công chức, công vụ; sớm hoàn thành việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tinh giản biên chế gắn với việc xác định vị trí việc làm và việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất; tinh giản biên chế phải chú trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc; Rà soát để có giải pháp thích hợp trong việc xử lý, bố trí biên chế, chế độ đối với giáo viên, khắc phục cho được tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở các địa phương…
Xử lý dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình xây dựng nông thôn mới
Đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quốc hội đề nghị đẩy mạnh việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, quan tâm tới các tiêu chí xây dựng nông thôn mới áp dụng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa; xử lý dứt điểm số nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó quan tâm đến các giải pháp căn cơ đối với đầu ra của sản phẩm, hạn chế tình trạng phải giải cứu nông sản do mất cân đối giữa cung - cầu; gắn sản xuất với tiêu thụ, hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đánh giá đầy đủ mức độ, hiện trạng ô nhiễm ở các dòng sông
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Quốc hội đề nghị đánh giá đầy đủ mức độ, hiện trạng ô nhiễm ở các dòng sông, áp dụng các mô hình xử lý ô nhiễm phù hợp, đổi mới cách thức để thu hút xã hội hóa trong việc xử lý ô nhiễm, xây dựng lộ trình để quản lý, thu gom nước thải theo hướng tập trung để xử lý trước khi xả thải vào sông, ngòi. Phân loại để xử lý, kiểm soát triệt để ô nhiễm làng nghề, các khu, cụm công nghiệp.
Có kế hoạch tổng thể để thực hiện toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường; phối hợp với các cơ quan kiểm soát chặt việc nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc để phế liệu nhập lậu và có giải pháp xử lý ngay số phế liệu đã nhập vào Việt Nam nhưng không có người nhận.
Kiểm tra, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai nhất là đất đai có nguồn gốc nông lâm trường; khẩn trương hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Quốc hội; triển khai hiệu quả quy định về cơ chế xác lập tài sản trên đất để phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao.
Chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Quốc hội đề nghị tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; xây dựng cơ chế huy động toàn xã hội tham gia xây dựng văn hóa, quan tâm đến yếu tố gia đình, giáo dục, tăng cường đầu tư cho xây dựng các thiết chế văn hóa.
Làm tốt công tác trùng tu, tu bổ di tích, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực cho hoạt động trùng tu, tu bổ di tích, phát huy giá trị đối với các di tích lịch sử, văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục chấn chỉnh công tác thi và tuyển sinh để bảo đảm chất lượng, hiệu quả
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Quốc hội đề nghị hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tiếp tục chấn chỉnh công tác thi và tuyển sinh để bảo đảm chất lượng hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Rà soát để bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong việc tích hợp các môn học; làm tốt công tác lấy ý kiến đối với người học, trong đó có trẻ em liên quan đến các nội dung đổi mới trong hoạt động giáo dục bảo đảm việc đổi mới phải xuất phát từ nguyện vọng của người học và xã hội. Rà soát quy định về kinh phí chi cho các cơ sở giáo dục trên cơ sở xác định vị trí việc làm, nguồn lực của ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội, cử tri về việc xử lý ngay những bất cập trong công tác xây dựng và ban hành văn bản, quản lý, xuất bản sách giáo khoa, triển khai các chương trình thực nghiệm,...
Xử lý đối với 12 dự án thua lỗ bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước
Đối với lĩnh vực công thương, Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát xử lý đối với 12 dự án thua lỗ bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước; có giải pháp phù hợp để xử lý vướng mắc đối với từng dự án; tiếp tục thanh tra, kiểm toán, điều tra xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tăng cường rà soát, đánh giá hệ thống thủy điện, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, không thực hiện nghiêm quy trình về xả lũ; triển khai các giải pháp để đầu tư, cung cấp điện lưới cho người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa có điện, phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ các thôn, bản sẽ có điện.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ quan và công chức quản lý để xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Xây dựng quy chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương để triển khai hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; giám sát, quản lý đối với đội ngũ làm công tác này, không để xảy ra các vi phạm.
Triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa; đề án nâng cao chất lượng hàng Việt Nam; tích cực, chủ động, phối hợp với các hiệp hội, các cơ quan, tổ chức chuẩn bị tốt công tác phòng vệ thương mại, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn phát huy hiệu quả của tiến trình hội nhập…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ mà Nghị quyết Quốc hội đã đề ra, tạo đà cho đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới./.
Mỹ Anh (Theo dangcongsan.vn)
Ý kiến bạn đọc
Đang truy cập: 44
Hôm nay: 6,224
Hôm qua: 9,597
Tháng hiện tại: 80,194
Tháng trước: 273,465
Tổng lượt truy cập: 832,584