KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 919/5/1890-19/5/2023)
Thứ sáu - 19/05/2023 05:001010
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023)
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha là Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan. Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, Người theo cha trở về Nghệ An, lấy tên là Nguyễn Tất Thành. Năm 1906, Người theo cha vào Huế, lúc đầu học trường Pháp-Việt, sau học trường Quốc học Huế. Tháng 6/1909, Người theo cha vào Bình Định; tháng 8/1910 vào Phan Thiết (Bình Thuận) làm giáo viên trường Dục Thanh. Tháng 02/1911, Người vào Sài Gòn.
* Tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng - Giai đoạn 1911-1920: Ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Pháp. Từ năm 1912 -1917, Người đi qua một số nước châu Phi, châu Mỹ. Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp, tháng 6/1919 thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi bản yêu sách gồm 08 điểm (ký tên Nguyễn Ái Quốc) tới Hội nghị các nước đế quốc họp ở Véc-xây (Pháp), đòi chính phủ các nước họp Hội nghị thừa nhận quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Tháng 12/1920, Người tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. - Giai đoạn 1921-1930: Từ 1921 đến 6/1923, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, dự Đại hội lần thứ I, II của Đảng Cộng sản Pháp, Chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Người cùng khổ (Le Paria)... Tháng 6/1923, Người rời nước Pháp đi Đức và đến Xanh-pê-téc-bua (Liên Xô). Từ 7/1923 đến 10/1924, Người hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế: Quốc tế Nông dân; dự Đại hội II Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên; viết báo tuyên truyền cách mạng, hoàn thành tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp; dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và là cán bộ Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản. Tháng 11/1924, Người rời Liên Xô đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, mở các lớp huấn luyện cán bộ, ra Báo Thanh niên (21-6-1925) truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin về Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Người tập hợp và in thành sách Đường Cách mệnh, xuất bản 1927. Tháng 7/1928, Người tới Xiêm (Thái Lan), rồi trở lại Trung Quốc. Từ 06/1 đến 07/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. - Giai đoạn 1930-1945: Tháng 6/1931, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt giam ở Hồng Kông. Cuối 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lênin. Tháng 10/1938, Người rời Liên Xô đến Diên An (Trung Quốc) làm việc tại Bộ chỉ huy Bát lộ quân, chuẩn bị về nước chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 28/01/1941, Người về nước tại cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Từ ngày 10 đến 19/5/1941, Người chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng tại Khuổi Nặm (Pắc Bó, Cao Bằng). Hội nghị xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, lập Báo Việt Nam Độc lập, tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa. Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh sang Trung Quốc liên lạc với Đồng minh. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong lúc bị giam giữ, Người viết Nhật ký trong tù. Tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12/1944, Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tháng 5/1945, Người từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tháng 8/1945, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). - Giai đoạn 1945-1954: Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, đối phó với thù trong, giặc ngoài, tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. - Giai đoạn 1954-1969: Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối đúng đắn, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thắng lợi; đặt nền móng và vun đắp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là tổn thất vô cùng lớn lao. Sự ra đi của Bác để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc ta và tình đoàn kết thân ái với nhân dân tiến bộ thế giới. * Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Tuyệt đối trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự bùng nổ của internet, mạng xã hội toàn cầu và các vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; các thế lực thù địch, phản động với các chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá Đảng, Nhà nước. Bên cạnh kết quả đạt được, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng còn những hạn chế, bất cập. Vì vậy, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. - Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh Thông qua xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng ta trưởng thành trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, ngày càng nâng cao vai trò, vị thế cầm quyền và năng lực lãnh đạo, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Đảng khẳng định, tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực, kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta. - Phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần phải quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút trọng dụng nhân tài; đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ; quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. - Thực hiện Kết luận 01-KL/TW, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đẩy mạnh thực hiện Kết luận 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước; kịp thời lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong các phong trào thi đua ở địa bàn cơ sở; các gương người tốt, việc, tốt, nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước để tuyên truyền động viên, cổ vũ và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng... Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025./.